Tiêu chuẩn suy hao mối hàn cáp quang

Tiêu chuẩn quốc gia – Tiêu chuẩn suy hao mối hàn cáp quang

TCVN 8665:2011 chuyển đổi từ TCN 68-160:1996 thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

TCVN 8665:2011 được xây dựng trên cơ sở Khuyến nghị G.651.1 (07/2007), G.652 (11/2009), G.653 (07/2010), G.655 (11/2009) của Liên minh Viễn thông Thế giới ITU-T.

TCVN 8665:2011 do Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện biên soạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Các bạn có thể tải file về xem rất chi tiết và đầy đủ nhé:

Một số mức suy hao cho phép:

Dưới đây là các thông số tiêu chuẩn để đánh giá của một tuyến cáp quang

  • Quỹ công suất toàn tuyến (Switch to Switch): 28dBm
  • Suy hao toàn tuyến: yêu cầu <28dBm (khuyến cáo nên <25dBm, 3dBm dự phòng công suất suy giảm theo thời gian.
  • Mức phát của OLT là +3dBm +-2

Suy hao cho phép: cáp quang, mối hàn, đầu nối connector:

Về lý thuyết:

  • Suy hao cáp quang cho phép ở bước sóng 850nm: 3.5dBm/km (Cáp quang MM)
  • Suy hao cáp quang cho phép ở bước sóng 1300nm: 1.0dBm/km (Cáp quang MM)
  • Suy hao cáp quang cho phép ở bước sóng 1310nm: 0.35dBm/km (Cáp quang SM)
  • Suy hao cáp quang cho phép ở bước sóng 1550nm: 0.22dBm/km (Cáp quang SM)
  • Suy hao mối hàn cáp quang <0.1dBm (Thực tế suy hao < 0.05dBm)
  • Các suy hao do đầu nối connector: <0.5dBm (Đối với loại đầu nối SC/APC suy hao là 0.35dBm)

Tiếp theo mình sẽ hướng dẫn các bạn 2 phương pháp đo suy hao cáp quang:

1. Đo suy hao quang bằng máy đo công suất

1.1. Mục đích

Việc đo suy hao quang bằng máy đo công suất được sử dụng để xác định chính xác suy hao của cáp sợi quang.

Phương pháp đo suy hao quang bằng máy đo công suất quang sử dụng phương pháp đo suy hao xen.

1.2. Điều kiện đo

Dưới đây là những thiết bị cần để đo:

  1. Máy đo công suất quang.
  2. Nguồn sáng quang (có thể dùng converter, module quang (SFP)…)
  3. 02 bộ đầu nối (adapter).
  4. 02 dây nối (có đường kính lõi và vỏ giống như sợi cần đo).

1.3. Tiến hành đo

Bước 1: đặt tham chiếu.

Thiết lập đo

Quy trình:

– Đấu mỗi máy đo công suất và nguồn sáng với 1 dây nối và liên kết lại bằng 1 bộ nối (Hình 1.1);

– Bật nguồn máy đo công suất quang (để ở chế độ cần đo);

– Bật nguồn quang hiển thị là giá trị tuyệt đối (dBm);

– Thiết lập giá trị tuyệt đối này về giá trị tham chiếu và hiển thị giá trị tương đối (dB).

Bước 2: đo suy hao sợi quang sử dụng phương pháp đo suy hao xen.

Thiết lập đo:

Quy trình:

– Tháo một trong các dây nối, nối sợi quang cần đo vào như Hình 1.2.

– Giá trị hiển thị trên máy đo là suy hao xen của sợi quang cần đo.

2. Đo suy hao quang bằng máy đo phản xạ quang OTDR

2.1. Mục đích

Phương pháp đo suy hao bằng máy đo OTDR cáp quang sử dụng phương pháp đo suy hao phản xạ trở về.

Phương pháp này cho phép đánh giá suy hao trở về bằng đo công suất phản xạ của sợi quang.

2.2. Điều kiện đo

Máy đo OTDR

Các dây nối và phụ kiện:

  • Các bộ nối thích hợp;
  • Bộ ghép sợi quang;
  • Chất lỏng làm phù hợp chiết suất sợi;
  • Dao cắt sợi quang;
  • Kìm tuốt vỏ cáp và sợi quang;
  • Cuộn sợi đệm.

Trước khi tiến hành các phép đo bằng OTDR, cần phải kiểm tra máy OTDR đó để đảm bảo rằng nó có đủ khả năng đo toàn bộ chiều dài sợi quang hay không. Chiều dài tổng của cáp sợi quang được đo cần ngắn hơn phạm vi này.

2.3. Tiến hành đo

Dưới đây là các bước cần được tiến hành để thực hiện một phép đo bằng OTDR:

1. Nếu sợi quang cần đo không được nối với bộ nối, bóc cáp sợi quang ra và để cho sợi quang lộ ra khoảng 2m. Làm sạch và cắt sợi này.

2. Nối máy OTDR với sợi quang trên bằng một dây nối, cuộn sợi đệm (nếu được yêu cầu) và bộ chuyển đổi sợi quang trần (xem Hình 2.1). Nếu sợi quang đó được nối với bộ nối, thì nối máy OTDR với sợi đó bằng một dây nối và cuộn sợi đệm (nếu được yêu cầu). Cuộn sợi đệm là cuộn sợi quang trần nhỏ có độ dài sợi khoảng 1km, có thể cuộn được trên một lô nhỏ. Nó được sử dụng cho OTDR để loại vùng chết của OTDR. Vì thế sợi quang dùng làm cuộn đệm không được có bất kỳ sự dị thường nào.

3. Bật nguồn OTDR.

4. Thiết lập chế độ ứng với các tham số hoạt động thích hợp của OTDR, bao gồm bước sóng, chiết suất của sợi quang được đo và chế độ quét và phân giải của màn hiển thị.

5. Điều chỉnh độ phân giải của màn hiển thị để hiển thị toàn bộ sợi quang được đo.

6. Đo suy hao của tất cả các điểm dị thường, các mối hàn, các bộ nối và toàn bộ sợi quang.

7. Đo suy hao 2 điểm đầu-cuối của sợi quang.

8. Lặp lại tất cả các bước từ 1 đến 7 cho tất cả các bước sóng yêu cầu.

9. Ghi lại vị trí của OTDR cho những phép đo này.

10. Lặp lại các bước từ 1 đến 9 với máy đo OTDR được nối vào đầu kia của sợi quang. Sau đó tính giá trị trung bình của hai kết quả thu được. Nó sẽ cho ra một giá trị chính xác hơn:

Tổn haoOTDR = (Tổn haohướng A + Tổn haohướng B)/2